LỜI NGỎ
40 NĂM VIỄN XỨ
Kính thưa quý bà con đồng hương,
Thấm thoát đã gần bốn thập niên, kể từ những ngày đầu của tháng 8 năm 1979, khi chỉ một nhóm người Việt Nam đầu tiên đến Helsinki này. Họ đến từ khắp mọi vùng miền khác nhau trên quê hương Việt Nam, nhưng cùng chung một tâm trạng: bồi hồi nhớ quê hương, nhớ cha mẹ anh em còn ở lại. Họ ngạc nhiên ngỡ ngàng với bao điều khác lạ ở vùng đất mới, từ con người văn hóa ngôn ngữ cho đến thiên nhiên quang cảnh. Họ lo lắng không biết làm sao để có thể hòa nhập vào xã hội mới này một cách tốt nhất. Họ nóng lòng muốn hiểu được ngôn ngữ Phần Lan, rồi đi làm vì cuộc vượt thoát tìm tự do không chỉ duy vì bản thân mà là mong phần nào giúp đỡ cha mẹ già, anh chị em của họ vẫn bươn chải trong nhọc nhằn tại quê nhà.
40 mươi năm không phải là một thời gian quá dài để hình thành và xây dựng một cộng đồng Việt Nam lớn mạnh như ở các quốc gia khác, nhưng cũng đủ để chúng ta nhìn lại một chặng đường hội nhập đầy đổi thay và đầy khó khăn vì nền tảng xã hội, văn hóa khác biệt. Một quãng thời gian vừa đủ cho một thế hệ sinh ra lớn lên và trưởng thành tại môi trường hoàn toàn khác lạ với nguyên quán của cha anh họ.
Giờ đây, cùng nhìn lại quãng thời gian chúng ta đã trải qua. Từ tháng 8 năm 1979 với khoảng vài mươi người đầu tiên đến Helsinki và cuối mùa thu 1989, nghĩa là sau mười năm, khi chương trình tiếp nhận người tị nạn Việt Nam từ các trại ở Đông Nam Á chấm dứt thì cộng đồng chúng ta trên toàn Phần Lan có khoảng trên 1000 người, và ở Helsinki khoảng vài trăm. Thời điểm hiện tại là khoảng trên 6000. Từ những ngày đầu tiên trên quê hương mới này, với bàn tay trắng và những mảnh hồn ngơ ngác lạc loài, chúng ta đã bắt đầu một khởi điểm mới. Với tính kiên nhẫn cần cù chịu khó, chúng ta đã nhanh chóng học hỏi và len lỏi hòa nhập xã hội này.
Đối với truyền thông và dư luận đại chúng thì cộng đồng Việt Nam chúng ta luôn chiếm được thiện cảm và sự tin tưởng từ đại đa số người dân Phần Lan. Ngay trong thời kỳ nền kinh tế của Phần Lan rơi vào tình trạng khủng hoảng nhất đầu thập niên 1990, sau khi bức tường Berlin sụp đổ bắt đầu cho sự cáo chung của toàn khối XHCN Đông Âu. Vào thời điểm đó, 60% sản phẩm công nghiệp Phần Lan lệ thuộc vào xuất cảng sang Liên Xô, khi Liên Xô không còn thì bao nhiêu công ty hãng xưởng của Phần Lan tiếp nhau phá sản. Nạn thất nghiệp tăng nhanh đến mức kỷ lục sau một thời gian dài thịnh vượng. Tuy nhiên, hình như những vấn đề trên không mấy ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con trong cộng đồng của chúng ta. Những ưu đãi trong chính sách an sinh xã hội không thay đổi. Trong những đợt sa thải công nhân viên của các cơ sở kinh doanh hãng xưởng, thì các công nhân Việt Nam vẫn không nằm trong danh sách chiết giảm nhân lực.
Vì thế cuộc sống của chúng ta cũng đã sớm ổn định. Mọi người bắt đầu mua xe mua nhà để cuộc sống thuận tiện hơn, tự tin hơn. Theo thời gian thì các cơ sở kinh doanh của người Việt bắt đầu xuất hiện. Đa phần thì nhân viên của họ là người Việt, nhưng cũng có những cơ sở có nhân viên là người bản xứ. Tính tới thời điểm hiện tại thì đã có gần hàng trăm cơ sở thương mại của người Việt trong một đất nước chưa đầy sáu triệu dân cư này.
Con em của chúng ta hưởng được một nền giáo dục học đường rất tốt và hoàn toàn miễn phí. Chúng ta cũng không phải quan tâm về sức khỏe của các em vì các em đã được y bác sĩ chăm sóc tại trường, cũng như bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng giúp cho các em có sự phát triển tốt nhất, trong khi ở đa số các quốc gia khác trong khối thịnh vượng Bắc Âu thì các em học sinh vẫn phải mang theo thức ăn đến trường. Mặc dầu đã nhận chúng ta đến định cư, nhưng chính phủ Phần Lan khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất để chúng ta vẫn duy trì được ngôn ngữ và bản sắc văn hóa của chúng ta. Ở trường các em vẫn được học Việt ngữ và hàng năm được tham dự trại hè tiếng Việt do chính phủ hỗ trợ tổ chức. Trong thời gian ở trung học, các em đã được hướng dẫn chuẩn bị cho mình hướng đi sau này, hợp với học lực và khát vọng của các em như trường nghề, cao đẳng hay đại học. Hiện nay thì cộng đồng Việt Nam chúng ta có những em đã trở thành nha sĩ, kỹ sư, dược sĩ, bác sĩ và cả tiến sĩ. Sự thành công của các em không chỉ là niềm hãnh diện của gia đình mà của toàn cộng đồng Việt Nam chúng ta.
Kính thưa quý bà con,
Sở dĩ chúng ta có được cuộc sống như ngày hôm nay là nhờ bản tính siêng năng nhẫn nại và hiếu học của chúng ta rất nhiều. Tuy nhiên quả là một sự thiếu sót rất lớn nếu chúng ta không nhắc lại để cảm ơn những nhân tố rất quan trọng đã nâng đỡ chúng ta trong những ngày đầu trên quê hương mới này. Đó là chính phủ Phần Lan, họ đã mở rộng vòng tay nhân đạo đón nhận chúng ta đến định cư ở đất nước tốt đẹp của họ. Các viên chức chính quyền thành phố, các nhân viên của hội hồng thập tự, tị nạn xã hội, y tế cũng như giáo viên trong trường huấn nghệ bằng với cả trái tim nhân ái và thân thiện , họ đã tận tình giúp đỡ chúng ta trên mọi phương diện. Đặc biệt là những gia đình người Phần Lan đã kết bạn và sát cánh hỗ trợ chúng ta lúc mới tới. Buổi đầu tuy ngôn ngữ bất đồng, nhưng sự ân cần chu đáo của họ làm cho tâm hồn chúng ta, những phận đời tha phương đã ấm lên trên nỗi niềm nhớ quê hương Việt Nam.
Trong tinh thần đó, chúng tôi mạo muội kính mời tất cả quý bà con tham dự các cuộc họp đông đủ để bàn bạc góp ý kiến cho việc tổ chức buổi liên hoan dự tính vào trung tuần tháng 8.2019 được tốt đẹp. Đây là một dịp thuận tiện nhất để chúng ta gặp lại những ân nhân, những người bạn, thân mật hàn huyên ôn lại bao kỷ niệm của thuở ban đầu.
Thông điệp của liên hoan kỷ niệm 40 năm Người Việt Phần Lan:
- Chúng ta sẽ cảm ơn chính phủ và những người bạn Phần Lan đã cưu mang giúp đỡ chúng ta khởi đầu cuộc sống mới nơi đây.
- Chúng ta sẽ kể với ân nhân, với các bạn Phần Lan là chúng ta đã không phụ lòng tốt của họ. Từ những ngày đầu tiên đến đây với hai bàn tay trắng và tâm hồn tan nát của phận lưu vong, thì nay chúng ta là một cộng đồng thiểu số hiền hòa, năng động và biết hội nhập.
- Chúng ta đã cảm nhận rằng Phần Lan không phải là vùng đất tạm cư nữa, mà là quê hương thứ hai của chúng ta. Mỗi chúng ta phải ý thức rằng “quyền lợi luôn song hành với trách nhiệm”. Sự thịnh vượng của một quốc gia luôn tùy thuộc vào tinh thần làm việc và thuế từ lợi tức của người dân. Vì thế việc đóng góp vào ngân sách quốc gia không còn là trách nhiệm riêng của người Phần Lan nữa, mà là trách nhiệm chung của tất cả mọi người đang sống trên miền đất này.
Xin chân thành cảm ơn quý bà con!
Thân ái
Hội Tiếng Nói Chung
Yhteinen ääni ry