Theo một dự báo dài hạn của Met Office – Cơ quan Dự báo Khí tượng của Anh quốc, lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại của loài người, từ năm nay cho đến năm 2023, nền khí hậu toàn cầu sẽ có thể tạm thời chạm ngưỡng hoặc vượt qua mức nhiệt độ tăng thêm +1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, nghĩa là từ tối thiểu +1,03°C đến tối đa +1,57°C.
Điều đó có nghĩa là chỉ trong vòng 5 năm nữa, phát thải khí nhà kính của nền kinh tế loài người sẽ đẩy hành tinh này vào ngưỡng thứ nhất trên tiến trình hủy diệt hàng loạt hệ sinh thái Trái Đất. Nếu các bạn muốn biết +1,5°C có sức tàn phá như thế nào, thì xin xem lại status này:
Trước đây, người ta luôn tin rằng mức tăng nhiệt +1,5°C sẽ chỉ xảy ra trong vòng 30 năm nữa, tức là vào giữa thế kỷ 21. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã hoàn toàn khác trước. Nguyên nhân là vì sao?
Cho đến nay, năm nóng nhất trong lịch sử hiện đại của loài người là năm 2016, khi nền nhiệt hành tinh tăng 1,11°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, nhưng khuynh hướng lâu dài cho thấy nhiệt độ đang gia tăng. Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do con người bơm vào bầu khí quyển đang làm tăng thêm 0,2°C trong mỗi thập kỷ, nhưng chiều hướng của biểu đồ nền nhiệt bị xé ra không đồng đều do sự biến thiên của tự nhiên: những năm có hiệu ứng của chu kỳ khí hậu El Niño thì tăng cao hơn mức bình thường, trong khi những năm có hiệu ứng làm mát của chu kỳ khí hậu La Ninã thì mức tăng nhiệt lại giảm bớt một chút.
Ts. Doug Smith, một chuyên gia cộng tác nghiên cứu thuộc Met Office, cho biết: “Sự gia tăng nền nhiệt +1°C hoặc cao hơn nữa sẽ làm tăng nguy cơ lệch nhiệt tạm thời, trên cả ngưỡng +1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Giờ đây, dự báo cho thấy có khoảng 10% khả năng sẽ có ít nhất một năm trong khoảng thời gian từ 2019 đến 2023 mà mức nhiệt toàn cầu sẽ vượt qua cả giới hạn +1,5°C.”
Và các nhà khí tượng học nhấn mạnh rằng, điều này không nhất thiết ám chỉ rằng thế giới đã phá vỡ thỏa thuận về mức tăng nhiệt cho phép đã được thông qua tại Hiệp định Khí hậu Paris trước cả 80 năm so với dự kiến, vì mục tiêu cắt giảm khí thải công nghiệp để điều chỉnh mức tăng nhiệt được đặt trong một khoảng thời gian có hiệu lực 30 năm kể từ năm 2020.
Tuy nhiên, giới khoa học vẫn lo lắng về hiện tượng ”lệch pha” nhiệt độ dự kiến này vì tác động của các chu kỳ khí hậu trên hành tinh, vì nó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nhiều khu vực bị tác động mạnh bởi El Niño, ví dụ như miền Tây Australia, Nam Mỹ, miền Nam và Tây Châu Phi, và vành đai gió mùa ở Ấn Độ.
Họ còn lưu ý thêm rằng khả năng những năm chạm ngưỡng +1,5°C sẽ tăng dần một cách đều đặn trừ khi con người chịu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Đúng như chúng tôi, #hanhtinhtitanic, đã dự đoán từ 10 năm trước, mức nhiệt +1,5°C, rồi +2°C và thậm chí +3°C sẽ sớm xảy ra nhờ tầm nhìn dựa trên ba lý do rất đơn giản:
- Quán tính của nền kinh tế tư bản không cho phép dừng lại bất cứ sự tăng trưởng nào.
- Văn hóa tăng trưởng của các nền kinh tế tư bản đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt và những kẻ thù trên thương trường, khiến họ phải luôn luôn đi về phía trước để nắm quyền lực và bảo vệ vị thế của mình – nếu không, họ sẽ chết.
- Nền kinh tế tư bản đã chiều theo những bản năng cơ bản nhất của con người, và dạy cho phần lớn dân số trên toàn cầu thói quen và ”ý thức hệ” tiêu dùng không thể thay đổi được nữa.
#hanhtinhtitanic
Nguồn tham khảo: