97. ”HẬU DUỆ MẶT TRỜI”
Sámi là tộc người bản địa duy nhất trong Liên minh châu Âu. Họ cư trú trong vùng đất Sápmi – nay gồm phía bắc của Na-uy, Thụy Điển, Phần Lan và bán đảo Kola thuộc Nga. Tổng số dân Sámi hiện nay hơn 75.000 người, chủ yếu sống ở Na-uy. Ngôn ngữ của họ thuộc nhóm Finno – Ugric, anh em với tiếng Phần Lan, Estonia. Có khoảng 9.000 người Sámi ở Phần Lan, quyền lợi của họ được quy định rõ trong Hiến pháp năm 1995. Người Sámi có quyền gìn giữ, phát triển ngôn ngữ, văn hóa, lối sống truyền thống của dân tộc mình. Khi làm việc với nhà chức trách, họ cũng được quyền nói tiếng Sámi.
Từ 1996, người Sámi có chính phủ tự trị với Hiến pháp riêng ở vùng đất truyền thống của mình. Chính phủ tự trị này do Quốc hội Sámi, được người Sámi bỏ phiếu bầu, điều hành. Vùng “đất nhà” của người Sámi, theo luật định, gồm những thị trấn thuộc Enontekiö, Inari, Utsjoki và vùng nuôi tuần lộc ở Sodankylä. 6 tháng 2 hàng năm là ngày Sámi.
Người Sámi cũng có cờ riêng, xuất hiện lần đầu năm 1986 và được công nhận chính thức từ 1992. Bốn màu đỏ, xanh lam, xanh lá và vàng thể hiện trang phục truyền thống của người Sami. Nửa vòng tròn đỏ tượng trưng cho mặt trời, nửa vòng tròn xanh cho mặt trăng. Màu xanh lá thể hiện cỏ cây, xanh lam nước, đỏ lửa và vàng mặt trời.
Lá cờ đầy tính biểu tượng thể hiện rõ văn hóa, lối sống của người Sámi: gần gũi, tôn trọng thiên nhiên. Với họ, con người và tự nhiên là một. Thế giới tự nhiên là nhà, là lối sống, là quá khứ và tương lai. Sự yên ổn tốt tươi của con người, cũng như của thiên nhiên, phụ thuộc trực tiếp vào tính cân bằng giữa hai bên. Xem môi trường xung quanh là một phần của cơ thể mình, người Sámi quan niệm sức mạnh của thiên nhiên cũng là sức mạnh của mình. Nếu làm mất thế cân bằng con người – thiên nhiên, hoặc làm tổn hại đến môi trường, thì sức mạnh của con người cũng bị suy giảm. Do đó, thế giới xung quanh rất được tôn trọng và bảo vệ toàn vẹn. Người Sámi, khi thật cần thiết, chỉ khai thác tối thiểu tài nguyên thiên nhiên, vừa đủ cho nhu cầu. Họ khó lòng “tiêu hóa” quan niệm chinh phục, cải tạo thiên nhiên, bắt thiên nhiên phục vụ mình của những người “văn minh”.
Thần thánh của người Sámi xưa là linh hồn của giới tự nhiên: thần sấm, thần gió, thần nước, thần săn bắn. Đa số nghi lễ của họ liên quan đến kế sinh nhai. Họ quan niệm thế gian chia làm ba phần: cõi âm của người chết và ma quỷ, cõi giữa là người và cõi trên dành cho các vị thần. Thầy phù thủy – nhân vật quyền lực với sứ mệnh thúc đẩy cộng đồng giàu mạnh – liên hệ với cõi trên bằng nghi thức lên đồng. Khi tiến hành nghi lễ, phù thủy ca hát, nhảy múa, với sự yểm trợ của trống. Trống Sámi làm bằng gỗ, trên mặt bọc da tuần lộc, vẽ những hình ảnh đơn giản tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, sao, lửa, cây cối, con người, tuần lộc, cá…
Theo huyền thoại, con gái mặt trời yêu quý người Sámi nên mang tuần lộc đến cho họ. Truyện khác kể con trai mặt trời sinh ra ba người con trai, sau này trở thành tổ tiên của người Sámi. Khi qua đời, ba người này biến thành sao trong chùm Thợ săn (Orion).
Văn hóa Sámi độc đáo, đa dạng. Rất khéo tay, họ nổi tiếng với những sản phẩm thủ công từ gỗ, xương, gạc tuần lộc, da, thêu ngọc trai với chỉ thiếc, dệt vải, ren…
Nghề truyền thống của người Sámi là chăn tuần lộc. Hiện nay, với hơn 60% người Sámi sống ở ngoài vùng “đất nhà”, việc gìn giữ ngôn ngữ, truyền thống làthử thách, mặc dù luôn được chính phủ Phần Lan khuyến khích.
Bảo tàng Sámi mang tên Siida, đặt ở Inari, “thủ phủ” Sámi của Phần Lan. Siida, trong tiếng Sámi nghĩa là ngôi làng, nơi những người chăn tuần lộc cùng sinh sống, luôn yêu thương, giúp đỡ nhau. Thế giới này cũng chỉ là một ngôi làng thôi, nhưng cần thêm rất nhiều hiểu biết và tôn trọng sự khác biệt thì mọi người mới có thể sống bên nhau vui vẻ như ở Siida của người Sámi.
Tác giả: ĐHN – 6.2.2018.