GIỚI THIỆU ỨNG CỬ VIÊN GỐC VIỆT TRONG CUỘC BẦU CỬ HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ NĂM 2017
Kính thưa quý vị,
TNC hân hạnh giới thiệu đến quý đồng hương hai ứng cử viên gốc Việt hiện đang tranh cử để vào hội đồng thành phố. Ông Tiny Ngô đến từ thành phố Tampere và Ông Châu Nguyễn đến từ thành phố Vantaa.
Những ngày bỏ phiếu trước vẫn tiếp tục đến ngày 4.4.2017.
Ngày bầu cử chính thức là ngày 9.4. và giờ bầu cử: từ 9 giờ sáng cho tới 20 giờ tối, toàn quốc nước Phần Lan.
Tối 9.4 khoảng 20 giờ sẽ công bố kết quả của các phiếu bỏ phiếu trước, sau đó khoảng 23 giờ tối sẽ công bố kết quả toàn vẹn bao nhiêu uỷ viên của mỗi đảng phái được trúng cử vào các ghế trong hội đồng thành phố trong từng địa phương đó.
Xin thân chúc 2 ứng cử viên sẽ được bầu vào hội đồng của 2 thành phố này. Tsemppiä molemmille! ?
——————————————
TINY NGÔ, KOKOOMUS, SỐ BÂU CỬ 558
Đôi nét về ứng cử viên:
Ngô Tiny 43 tuổi, sống cùng vợ và 3 con. Đảng viên Kokoomus từ năm 2007, thành viên trong ban điều hành (BĐH) thuộc chi bộ địa phương và được trao danh hiệu ”Vihreä Leijona”.
1. Vì sao nên bầu ông vào hội đồng thành phố?
Ngân sách Tampere gần 2 tỉ euro và 6 năm liền tổng kết cuối năm ở mức âm từ 10 đến 22 triệu euro. Tôi là người đóng thuế, nên phải biết tiền thuế có được sử dụng đúng không. Hiện tại mỗi người Tampere đang gánh nợ thành phố là 2250 euro và mấy năm qua khoản chi từ ngân sách để xây dựng cơ sở tầng hạ tầng khá nhiều, đồng nghĩa với việc cắt giảm phúc lợi xã hội của người dân đang sinh sống tại Tampere. Do vậy, chúng ta cần phải tiết kiệm ngân sách, không nên tạo thêm gánh nặng cho thế hệ sau.
2. Ông sẽ thực hiện điều gì cho nhiệm kỳ này nếu được trúng cử? Lời hứa cho đợt bầu cử này của ông là gì? Lý do gì khiến ông đứng ra ứng cử vào hội đồng thành phố?
Về giáo dục có 3 điểm cần làm:
– Trong thời gian qua, một vài trường học trên 20 năm tuổi đã phát hiện điều kiện không khí và nhiệt độ trong lớp học không đủ tiêu chuẩn. Có thể do hệ thống lọc không khí không đủ chất lượng, điều này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tập trung của học sinh trong giờ học và các giáo viên đã phải bỏ giờ dạy do sức khoẻ bị ảnh hưởng. Đã 4 năm qua, tôi được tín nhiệm và trao vai trò là phó uỷ viên trong sở Giáo dục. Nhận được nhiều phản ảnh từ phụ huynh và giáo viên, nên tôi rất thông cảm và muốn các vấn đề cần phải được cải thiện.
– Hiện số lượng học sinh trong mỗi lớp từ 20 đến 25 em, điều này cũng làm ảnh hưởng sự tiếp thu trong giờ học và giáo viên dễ bị stress. Giải pháp của tôi, nếu được thì nên giảm số lượng học sinh xuống hoặc cần thêm người phụ giáo (koulunkäyntiavustaja) trong giờ học.
– Cần duy trì dạy tiếng mẹ đẻ của các sắc tộc thiểu số. Bảo tồn ngôn ngữ là bảo tồn văn hoá trên đất nước thứ hai. Một xã hội có nền đa văn hoá thì mới đúng ý nghĩa hòa nhập với bạn bè thế giới. Sở Giáo dục Tampere phải có bổn phận tìm giáo viên và thường xuyên kiểm tra chất lượng trong việc dạy học của giáo viên.
Về phúc lợi xã hội có 3 điểm cần làm:
– Đối với những gia đình đông con, gia đình thu nhập thấp và cha/mẹ độc thân nuôi con phải được hỗ trợ về mặt tinh thần. Những đứa trẻ phải được lớn lên trong một môi trường lành mạnh, có sức khỏe và đầy đủ các kỹ năng sống. Tampere tạo ra những sinh hoạt miễn phí như vé đi bơi, các địa điểm thể thao lấy giá rẻ hay miễn phí, các trung tâm sinh hoạt kỹ năng dành cho trẻ em v.v… Tampere đã hỗ trợ thêm 100 euro cho những gia đình đang hưởng trợ cấp xã hội trên 6 tháng. Số tiền này chỉ sử dụng trả vé xe buýt hay hồ bơi, cần mở rộng thêm dịch vụ khác và thêm những hình thức tương tự.
– Các viện dưỡng lão và những trung tâm dành cho người cao niên cần có thêm những sinh hoạt lành mạnh và có ích cho trí nhớ. Trong năm mùa đông là dài nhất, các cụ ít có cơ hội ra ngoài, nên rất cần những sinh hoạt trong nhà.
– Mỗi năm Tampere đã hỗ trợ những phần quà hiện kim cho các đoàn thể sắc dân thiểu số, nhằm vào mục đích xóa bỏ kỳ thị chủng tộc và thúc đẩy sự hội nhập xã hội Phần Lan. Nếu chỉ xem các bản báo cáo thì không giúp đượcgì cả, phải theo dõi đưa ra bằng chứng tình hình thực hiên như thế nào.
3. Theo ông, thành phố có nên cho những người di cư bất hợp pháp dùng các dịch vụ y tế miễn phí?
Nếu nói Phần Lan có người di cư bất hợp pháp thì không có. Chỉ có những người đi du lịch hay đi lao động ngắn hạn thôi. Cũng như chúng ta đã biết, toàn lãnh thổ Phần Lan hiện có gần 30 000 người xin tị nạn và trong số đó có những người đã bị loại không đủ qui chế tị nạn. Có nên cho họ dịch vụ y tế miễn phí không? Ban Hội Đồng Tampere không có quyền hạn xen vào những vấn đề này. Làn sóng người xin tị nạn thuộc trách nhiệm của chánh phủ, qua cơ quan Migri và các chi phí được hỗ trợ từ ngân sách hàng năm của chánh phủ. Chánh phủ Phần Lan được hỗ trợ lại từ quỹ Liên Hiệp Châu Âu. Chánh phủ ban công văn xuống cho các thành phố, hay nói đúng hơn những nơi nào có Trung tâm Tiếp Nhận Người Tị Nạn phải lo cho họ từ y tế, sinh hoạt hàng ngày đến việc dạy ngôn ngữ. Tôi rất hài lòng trong những quyền lợi phục vụ cho họ hiện nay. Quan trọng là không tạo một xã hội bất an và từng bước tìm những giải pháp hài hòa cả hai bên.
4. Ông sẽ chọn lựa chọn nào nếu tường hợp ngân sách nhà nước bị thiếu hụt: một là cắt giảm hai là tăng thuế?
Để tiết kiệm ngân sách thiếu hụt, tôi có 3 điểm cần làm là cắt giảm như sau:
– Cắt giảm người làm trong bộ hành chánh. Những chức vụ tương tự và nếu ít việc phải sáp nhập các chức vụ lại.
– Giới hạn tuyển chọn người mới vào công việc nào đó hay dự án mới. Phải giao việc hay tìm người trong bộ hành chánh trước, trừ những trường hợp đặc biệt. Và không được tùy dùng dịch vụ khảo sát hay thống kê tư nhân (konsultipalvelu).
– Xây dựng hạ tầng với mức vừa phải. Tuyệt đối không vay mượn tiền để chi những dự án đồ sộ và kéo dài thời gian.
Bên cạnh đó cũng phải tăng phí dịch vụ phục vụ công dân, hoặc tăng thuế đất, hoặc tăng thuế thu nhập. Hiện nay thuế thu nhập ở Tampere thấp nhất toàn nước Phần Lan, ở mức 19,75% , tôi cho tăng 20% và cả thuế đất.
5. Ông muốn nhắn gởi điều gì đến cử tri gốc Việt?
Người Việt chúng ta đã sống tại Tampere gần 30 năm và cũng là nhóm người đầu tiên được ưu đãi chính sách nhận người tị nạn. Ban đầu chúng ta có những hình ảnh đẹp trong lòng người bản xứ và từ khi có nhu cầu đòi hỏi cho bản thân, nên mỗi lần chúng ta nhìn nhau với cặp mắt nghen tỵ và nghi ngờ lẫn nhau. Tôi đã thấy, chúng ta đã mất điều trân quy cho kinh nghiệm sống trong xã hội bản địa và trong gia đình thường va chạm hai nền văn hóa giữa hai thế hệ. Một khi chúng bị buộc chân vào gia quy, luôn chịu đựng và chờ một ngày chấp cánh bay xa. Bổn phận làm cha mẹ dạy sao cho chúng sống tốt hơn mình và hữu dụng cho xã hội. Những vấn đề trên đều nằm trong chương trình hội nhập, chúng ta chưa từng hưởng dụng như những sắc tộc thiểu số khác và nếu được tín nhiệm của đồng hương tại Tampere, thì chúng ta cùng nhau từng bước giải quyết mọi vấn đề.
Tiny Ngô 558
Tampere
=======================================
CHÂU NGUYỄN, VASEMMISTOLIITTO, SỐ BẦU CỬ 387
Đôi nét về ứng cử viên:
Châu Nguyễn, 28 tuổi, sinh sống tại Koivukylä, Vantaa. Thuộc đảng phái Vasemmistoliitto.
1. Vì sao nên bầu ông vào hội đồng thành phố?
Ước muốn của tôi là chăm lo cho những công việc chung và truyền tải tiếng nói của đồng hương Việt cũng như các nhóm người nhập cư khác sống tại Vantaa. Cộng đồng người Việt chúng ta đã sống qua mấy thập niên tại Phần Lan, nhưng ít khi chúng ta tham gia chính trị. Tôi đứng về phía người dân. Tôi hy vọng được trở thành người đại diện của quý vị. Tôi không muốn gạt bỏ ai sang một bên, ngược lại tôi muốn được lắng nghe mọi khó khăn của mọi người để giúp đở với hết khả năng của tôi. Tôi hướng đến nền chính trị bình đẳng đối với mọi người để không ai phải chịu thiệt thòi. Tôi hứa sẽ tận hết khả năng để xứng đáng với sự tín nhiệm của quý vị. Đặc biệt tôi muốn bênh vực những người mà không có tiếng nói trong khu vực họ đang sinh sống (thành phố).
2. Ông sẽ thực hiện điều gì cho nhiệm kỳ này nếu được trúng cử? Lời hứa cho đợt bầu cử này của ông là gì?
Trước tiên là tôi sẽ cố gắng tháo gỡ sự giới hạn về quyền gởi con vào nhà giữ trẻ. Tôi cảm thấy đó là điều vô lý khi muốn lấy đi quyền gởi trẻ, với lý do là quyền gởi con phải tuỳ thuộc vào mức thu nhập hoặc tuỳ thuộc vào tình trạng thất nghiệp của cha mẹ.
Tôi cũng muốn mở thêm các khoá ngôn ngữ tiếng Phần Lan, tôi biết phải xếp hàng rất lâu mới mở khoá mới. Đôi lúc không có mở thêm các khoá mới, trong khi đó là việc cần thiết.
Tôi muốn tạo ra một mạng lưới giữa thành phố và các công ty để các sinh viên có nhiều chỗ thưc tập và sau khi tốt nghiệp thì sẽ có việc làm ngay.
Tôi cũng muốn thành phố tuyển dụng thêm nhiều người nhập cư vào làm việc và người nhập cư có hạn ngạch trong việc tuyển dụng thêm nhân sự.
Tôi muốn trẻ em có ít nhất một sở thích và nó không có tuỳ thuộc vào mức thu nhập trong gia đình.
Tôi phản đối về việc cải thiện dịch vụ y tế và xã hội (SOTE), vì nó hoàn toàn truyền thuế thu nhập từ địa phương đến các công ty tư nhân, tiền thuế của dân sẽ trao cho các chủ đầu tư, gây lợi tức riêng cho chủ đầu tư mà nó không chuyển lại chính quyền địa phương.
Tôi hứa sẽ làm hết sức mình để thực hiện những kế hoạch trên. Tôi hứa sẽ lắng nghe và hiểu sâu sự lo lắng của các cử tri. Nếu tôi không có khả năng giúp đỡ trực tiếp được thì ít nhất tôi cũng sẽ dẫn dắt đi đúng đường hướng.
3. Lý do gì khiến ông đứng ra ứng cử vào hội đồng thành phố?
Tôi làm người trưởng đại diện công nhân trong một công ty ngành thực phẩm thuộc khu vực phi trường. Tôi đại diện và bênh vực quyền lợi cho công nhân. Tôi thường thương thảo với chủ việc trong nhiều trường hợp khác nhau để cải thiện môi trường làm việc cũng như mức lương. Sau đó tôi đã tham gia chính trị vì ước vọng của tôi là giúp đở nhiều người hơn trong phạm vi rộng lớn hơn. Tôi muốn cải thiện những vấn đề liên quan đến công dân địa phương. Chúng ta đang sống trong thời điểm khó khăn, vì mức thất nghiệp cũng tăng mà đồng thời sự cắt giảm cũng tăng liên tục. Tôi cảm thấy chúng ta cần có một người trong hội đồng thành phố để truyền tải tiếng nói của đồng hương. Dù sao chúng ta cũng là thành phần trong xã hội Phần Lan nên trong các quyết định của thành phố không thể bỏ qua những nhu cầu của chúng ta. Tôi nhận thấy rằng chúng ta cần sợi dây liên kết đối với những người có quyền hạn định đoạt các vấn đề và tôi mong muốn được làm sợi dây liên kết ấy.
4. Theo ông, thành phố có nên cho những người di cư bất hợp pháp dùng các dịch vụ y tế miễn phí?
Tôi được dạy dỗ và chăm sóc trong gia đình là không được bỏ rơi người khác khi họ gặp nạn, chúng ta phải giúp họ khi họ gặp nạn. Nếu tôi là họ thì tôi cũng muốn được đi khám bác sĩ và được chữa trị, khi tôi lâm bệnh. Mọi công dân đều có quyền sử dụng dịch vụ y tế công cộng, không tuỳ thuộc họ có cư ngụ hợp pháp hay không.
5. Ông sẽ chọn lựa chọn nào nếu tường hợp ngân sách nhà nước bị thiếu hụt: một là cắt giảm hai là tăng thuế?
Dịch vụ công cộng là để phục vụ cho toàn dân. Nếu cắt giảm nó thì không thể đáp ứng theo nhu cầu của luật pháp, ngược lại thì phải cải tiến những dịch vụ càn tốt hơn. Tôi sẽ sẵn sàng đóng thêm thuế để bảo đảm cho công dân không buột phải lặn lội đường xa đến khám bác sĩ. Không có gì quan trọng hơn là bảo vệ sức khoẻ cho toàn dân.
6. Ông muốn nhắn gởi điều gì đến cử tri gốc Việt?
Tôi muốn nhắc nhở đến tất cả người Việt đồng hương tại Phần Lan về quyền bầu cử của mình. Tôi cũng muốn đem thông điệp đến mọi người rằng nếu mình không đi bầu thì mình đang gạt bỏ những vấn đề trong xã hội qua một bên. Tôi hiểu rằng các bạn không có cảm hứng về chính trị của Phần Lan, nhưng những chích sách đã thông qua trong hội đồng thành phố đều liên quan đến đời sống hàng ngày của các bạn. Nếu chúng ta không đi bầu thay vì bạn cứ thang trách họ lại quyết định những chính sách sai lầm. Vì vậy chúng ta phải tích cực tham gia bầu cử, chúng ta sinh sống tại đây, sinh trưởng tại nước này, vì tương lai của con cái chúng ta.
Tôi bao giờ cũng bên phía người dân, tôi không chấp nhận việc làm giàu mà lấy đi những gì từ những hộ nghèo, những người đang gặp khó khăn. Chúng ta buộc phải bảo vệ những quyền lợi của chúng ta mà trong luật pháp đã quy định!
Chau Nguyen, 387
Vantaa
_________________________________
Yhteinen ääni ry – 3.4.2017